Hodgson hay bất cứ HLV nào khi lên nắm ĐT Anh đều phải đối mặt với những bài toán nhân tâm dai dẳng
Oliver Kahn sinh năm 1969. Jens Lehmann cũng sinh năm 1969. Hai thủ môn này sinh ra cùng thời, cùng rất tài năng và cũng có cá tính cực mạnh. Tại World Cup 2002 và EURO 2004, Kahn đều là lựa chọn số 1 trong khung gỗ ĐT Đức. Ở 2 giải đấu đó, bắt dự bị cho Kahn đều là Lehmann. Dĩ nhiên, Lehmann chẳng vui vẻ gì với việc ngồi dự bị mòn đũng quần cho Kahn nhưng vẫn phải kiên nhẫn chờ thời, bởi phong độ cũng như ảnh hưởng của Kahn với ĐT Đức là cực lớn. Tuy nhiên, kể từ sau EURO 2004, Kahn dần sa sút phong độ.Trong khi đó, Lehmann vẫn duy trì được sự bền bỉ ở Arsenal.
Cuộc cạnh tranh vị trí thủ môn chính thức ở ĐT Đức diễn ra quyết liệt nhưng lành mạnh. Đến tháng 4/2006, HLV trưởng ĐT Đức lúc đó là Klinsmann tuyên bố, Lehmann sẽ thay Kahn là thủ môn số 1 của Đức ở World Cup 2006. Dù không vui vẻ nhưng Kahn phải chấp nhận. Thậm chí, sau màn trình diễn của Lehmann ở trận tứ kết với Argentina (đẩy được 2 quả sút luân lưu), Kahn còn lên báo khen ngợi đồng đội.
Thời điểm mất vị trí chính thức, Kahn vẫn là anh cả và thể hiện quyền lực ở ĐT Đức, nhưng Klinsmann rất nhanh chóng giải quyết dứt điểm rắc rối về nhân sự.
Một ví dụ nữa cũng liên quan đến ĐT Đức. Sau thời Kahn, đến lượt Ballack là đội trưởng Cỗ xe tăng. Nhưng trước VCK World Cup 2010, Ballack dính chấn thương nặng sau pha vào bóng của Kevin-Prince Boateng. Chấn thương này khiến Ballack không thể đến Nam Phi cùng ĐT Đức. Ngay lập tức, HLV trưởng Loew trao băng đội trưởng cho Lahm bất chấp nhiều điều tiếng, bởi Lahm không phải mẫu cầu thủ cá tính như các đội trưởng Đức trước đó. Nhưng bù lại, Lahm được coi là cánh tay nối dài của Loew, là cầu thủ khôn khéo, lại đang thi đấu cho Bayern, CLB có ảnh hưởng lớn nhất đến ĐT Đức. Ngoài Đức, ĐT Tây Ban Nha ở World Cup 2010 cũng giải quyết nhanh gọn việc lựa chọn David Villa hay Torres sẽ đá tiền đạo cắm.
Chiến thắng trước San Marino yếu nhất thế giới không nói lên nhiều điều
Nói vậy để thấy, các đội tuyển lớn trên thế giới thường giải quyết nhanh gọn vấn đề nhân sự. Còn Tam sư thì luôn để điều này tồn đọng. Ví dụ như ở hàng tiền đạo. Khi Rooney khỏe mạnh, ĐT Anh lúng túng trong việc tìm người đá cặp với anh. Defoe hay Carroll, đâu là giải pháp tốt nhất? Câu trả lời chưa bao giờ là thỏa đáng. Khi Rooney không ra sân, ai sẽ thay Rooney cũng làm người Anh phải lúng túng? Welbeck, Carroll, Defoe, sử dụng sơ đồ 4-5-1 hay 4-4-2, hàng tá câu hỏi nhưng đến tận khi EURO 2012 diễn ra họ cũng không có câu trả lời. Một ví dụ khác. Sử dụng Gerrard và Lampard thế nào để cả hai phát huy được vai trò tốt nhất, hoặc phải loại ai giữa hai ngôi sao kể trên cũng là câu hỏi người Anh mất gần thập kỷ trước cũng không tìm ra câu trả lời.
Tóm lại, những người làm bóng đá Anh thiếu quyết đoán, thiếu sự lạnh lùng để giải quyết nhanh gọn rắc rối nhân sự.