Trang

Bundesliga Đến La Liga cũng phải thèm

Bayern Munich và Borussia Dortmund sẽ gặp nhau ngày 25/5 tới, cho chức vô địch Champions League 2012/13. Đó chắc chắn sẽ là một cuộc chạm trán kinh điển, giữa hai đội bóng Đức, và hai CLB có màn thể hiện xuất sắc nhất ở châu Âu trong mùa bóng này.

Nhưng thực tế thì, ở nước Đức, rất nhiều trận đấu cũng có thể trở thành một trận “Siêu kinh điển” tầm cỡ Barcelona - Real Madrid ở Tây Ban Nha.

Những thắng lợi của Bayern và Dortmund trong mùa giải này không chỉ thể hiện sức mạnh của hai đội bóng mà còn phản ánh sức mạnh của giải VĐQG mà họ đang góp mặt.Bundesliga, dù có lượng người xem trên truyền hình chỉ đứng thứ tư thế giới trong các giải VĐQG nhưng thường xuyên có những trận đấu có chất lượng chuyên môn cao và sự kịch tính luôn thường trực xảy ra.

Trong khi đó, điều này rất khó xảy ra với La Liga. Barca và Real có sức mạnh áp đảo với cả giải đấu, và mỗi năm chỉ có 6-7 trận đấu mà hai đội bóng này thực sự gặp phải thách thức.Và tất nhiên, vị trí của hai đội trên BXH vẫn lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.

Còn “Siêu kinh điển” ở Đức như thế nào? Thông thường nhất, đó là Bayern Munich đối đầu với bất cứ đối thủ nào đe dọa tới sự thống trị của họ. “Der Klassikers” có thể là Bayern Munich gặp Dortmund, Bremen, Schalke, Monchengladbach, Hamburg, Wolfsburg, hay thậm chí trong mùa giải 2008/09 là với đội bóng làng Hoffenheim.

clip_image001
Các trận đấu tại Bundesliga luôn rất hấp dẫn và kịch tính

Kiếm tiền không nhiều nhưng kiếm đều và giữ tiền trong két

Đã từ rất lâu rồi người ta đề cập tới sự bất bình đẳng ở La Liga, khi mà đa phần số tiền bản quyền truyền hình chảy vào túi Barcelona và Real Madrid - hai đội bóng được theo dõi nhiều nhất của La Liga - và đã từng khiến một số đội bóng ở La Liga đi tới đình công ở đầu mùa bóng 2011/12. Valencia cuối năm 2012 đã trở thành tài sản công do nợ nần chồng chất.

Trong khi đó, Bundesliga không phải giải đấu có thu nhập từ truyền hình nhiều nhất. Tuy nhiên con số này đang trên đà tăng trưởng khi bắt đầu từ mùa 2013/14 cho tới mùa 2016/17, tiền bản quyền truyền hình sẽ tăng từ 412 triệu euro lên 628 triệu euro một mùa.Mỗi đội sẽ được nhận 34 triệu euro/năm.

Chưa hết, Bundesliga hiện được coi là giải đấu ít phụ thuộc vào bản quyền truyền hình nhất trong top 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. Nếu như thu nhập từ truyền hình chiếm trong khoảng 45 - 60% tổng thu nhập của Premier League, Serie A và La Liga, con số này với Bundesliga chỉ là 26.6%. Các CLB Bundesliga không sống dựa vào truyền hình bởi đã có những hình thức làm kinh tế khác. Một trong những nguồn thu chủ lực là quảng cáo, nó chiếm 55% thu nhập của Bayern, trong khi với Arsenal chỉ là 22%. Nếu như Bayern làm giàu nhờ quảng cáo, thì Arsenal buộc phải tăng giá vé để kiếm thêm, bằng chứng là 41% thu nhập của đội bóng London đến từ tiền vé. Tương tự, Schalke 04 và Dortmund dù nằm ở những thị trường nhỏ hơn so với Munich, vẫn lấy quảng cáo và các hợp đồng thương mại làm chủ đạo (chiếm lần lượt 53% và 51% tổng thu nhập).

Việc các CLB Đức sống khỏe nhờ quảng cáo có tác dụng rất quan trọng: do đã có một nguồn thu vững chắc, họ đã hạ thấp giá vé. Kết quả là trung bình lượng khán giả tới sân ở Bundesliga dẫn đầu châu Âu với trung bình 44.293 khán giả/trận, trong khi Premier League kém hơn 10.000 khán giả mỗi trận, và La Liga kém hơn 15.000. Lượng khán giả đông giúp các CLB kiếm bộn tiền từ bán vé và bán các loại hàng hóa lưu niệm hay các dịch vụ bên ngoài sân vận động.

Nhân nói về vấn đề tài chính, hãy xem các cầu thủ chơi bóng tại Đức được trả lương thế nào?!. Trong tổng thu nhập khoảng 2,7 tỷ USD mùa giải 2011/12 của 18 đội ở Bundesliga, thì chỉ 37,8% là được dành để trả lương cầu thủ. Trong khi ấy 20 đội ở Premier League có tổng thu nhập 3,2 tỷ USD nhưng chi tới 64% trả lương cho cầu thủ.

Premier League và La Liga đang “móc túi” người hâm mộ để trả lương cho các ngôi sao - những công nhân làm thuê. Bundesliga thì ngược lại, họ “móc túi” các doanh nghiệp lớn và giữ tiền trong két sắt của mình. Một cách làm hợp lý, khoa học và bền vững.

Germany Soccer Champions League
Bayern đứng trên đỉnh bóng đá Đức nhờ cách làm hợp lý

Một giải đấu có những bất ngờ hợp lý

Mùa giải 2008/09 là một mùa giải đầy bất ngờ với bóng đá Đức. Hoffenheim, đội bóng làng (theo đúng nghĩa đen, Hoffenheim là một ngôi làng có 3.000 dân cư) mới lên hạng của Bundesliga đã bất ngờ vô địch mùa Đông và kết thúc nửa đầu mùa giải với một trận kịch chiến tại Allianz Arena với Bayern, trận đấu mà họ dẫn trước nhưng bị lội ngược dòng. Trận đấu này đã lọt vào top 10 chương trình truyền hình thu hút người xem nhất của Đức trong năm 2008 bởi sự chú ý của dư luận nước Đức tới đội bóng vô danh, sở hữu trong tay những chân sút như Ibisevic hay Demba Ba, cùng một lối chơi tấn công vũ bão giúp họ ghi 42 bàn trong 17 trận.

Trong 10 năm trở lại đây, những bất ngờ như của Hoffenheim không hiếm. Wolfsburg bùng nổ trong mùa 2007/08 bởi cặp sát thủ lừng danh châu lục Edin Dzeko - Grafite, trong khi một mùa bóng trước đó chứng kiến Mario Gomez và Sami Khedira đưa Stuttgart tới chiếc Đĩa bạc.

Xa hơn nữa, Kaiserlautern đạt được một thành tích hiếm có trong lịch sử bóng đá Đức khi thăng hạng lên Bundesliga trong mùa 1996/97 và rồi lập tức đoạt chức vô địch trong mùa 1997/98 dưới sự dẫn dắt của HLV Otto Rehhagel.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho những sự bất ngờ, hay nói một cách khác, những sự kiểm soát tạm thời của các CLB (Bayern gần như luôn có mặt trong những vị trí cao nhất trên BXH). Ngay bản thân Bayern cũng không phải là một CLB thống trị bóng đá Đức trong một số giai đoạn nhất định, mà tiêu biểu là thập kỷ 1980, khi họ thay đổi nhân sự liên tục và gặp khó khăn về tài chính. Đó cũng là thập kỷ mà bóng đá Đức đi xuống nói chung, cả do khủng hoảng kinh tế lẫn do cách làm bóng đá không hợp lý, dẫn tới tình trạng các cầu thủ giỏi lần lượt sang thi đấu cho Serie A, giải đấu khi đó đang là giàu nhất ở châu Âu.

Sự sa sút đó đã dẫn tới những cuộc cải cách rất quy mô với nền bóng đá nước này, và điều quan trọng hơn là nó mang tới cho những người làm bóng đá ở Đức một nhận thức mới: Tiêu tiền nhiều chưa chắc đã thành công, mà để thành công thì trước tiên phải biết cách kiếm tiền. Nhận thức ấy thậm chí đã được vận cả vào Bayern, đội bóng có thị trường lớn nhất nước Đức. Và kết quả của nhận thức đó là một Bundesliga có cách làm kinh tế đã được đề cập ở phần trên.

Chính vì vậy, Bayern không bao giờ thống trị giải đấu một cách liên tục. Họ sẽ có vài năm bị những đối thủ khác, cả mới lẫn cũ, qua mặt trong các cuộc cạnh tranh danh hiệu. Tuy vậy, Bayern sở hữu lợi thế là truyền thống lâu đời và thu hút lượng khán giả trung thành rất đông đảo, cùng với đó là sự quyết tâm cải tổ lực lượng của chính Bayern (đã trải qua 2 cuộc cách mạng lực lượng khác nhau trong 10 năm qua), nên “Hùm xám” hiện vẫn đứng trên đỉnh của bóng đá Đức.

Tuy vậy, Dortmund giờ đã đưa cuộc chơi bóng đá Đức ra tầm châu Âu, và chắc chắn trong những năm tiếp theo sẽ có những thế lực mới nổi lên hay những thế lực cũ lại trỗi dậy để thách thức Bayern. Đó là xu hướng chung của bóng đá Đức.

Và giờ đây, nói đến một trận “Siêu kinh điển” ở Đức, người ta thường nhắc đến trận đấu giữa Bayern Munich và kẻ đe dọa họ mạnh nhất vào thời điểm trận đấu diễn ra.